Thời kỳ Hoàng Thái Cực Đa_Nhĩ_Cổn

Hậu Kim đại tướng

Năm Thiên Mệnh thứ 11 (1626), Nỗ Nhĩ Cáp Xích chết nhưng chưa kịp chỉ định người kế vị. Ông ta chỉ mới kịp giao cho người vợ A Ba Hợi sủng ái của mình quyền lãnh đạo 3 kỳ trực tiếp lãnh đạo để chia cho 3 người con của bà, lần lượt là A Tế Cách cùng Đa Nhĩ Cổn ở Chính Hoàng kỳ, một phần Tương Hoàng kỳ cho Đa Đạc. Bằng những thủ đoạn chính trị, vị Hoàng tử thứ 8 Hoàng Thái Cực đã tranh thủ được sự ủng hộ của các thủ lĩnh bộ lạc lên ngôi Đại hãn. Tương truyền, ngay sau khi lên ngôi, Hoàng Thái Cực đã hợp cùng với các vị Đại Bối lặc lớn tuổi, bức Đại phi A Ba Hợi phải tự sát với lý do theo di chúc của cha, muốn tuẫn táng cùng bà[3].

Các anh em Đa Nhĩ Cổn lúc này còn quá nhỏ, bất lực trước tình hình, xem như mất hẳn quyền kế vị. Tuy nhiên, ông xác định tạm nén mình ẩn nhẫn, dùng chiến công để xây dựng lại thế lực, chờ thời cơ để đoạt lại ngôi vị Đại hãn. Chính thái độ ẩn nhẫn của Đa Nhĩ Cổn đã giúp ông thoát khỏi hàng loạt vụ thanh trừng của anh mình.

Năm Thiên Thông thứ 2 (1628), khoảng 2 năm sau khi cha mẹ đều chết, Đa Nhĩ Cổn tùy giá Hoàng Thái Cực tiến công bộ tộc Sát Cáp Nhĩ của Mông Cổ. Trong trận này, Đa Nhĩ Cổn lập đại công, phá cường địch ở Ngao Mục Lăng (敖穆楞), được Hoàng Thái Cực ban mỹ hiệu Mặc Nhĩ Căn Đại Thanh (墨爾根代青, tiếng Mãn: ᠮᡝᡵᡤᡝᠨ
ᠳᠠᠢᠼᠢᠨ, Möllendorff: mergen daičin, nghĩa là thông minh cơ trí, tháo vát)[4].

Năm thứ 3 (1629), Đa Nhĩ Cổn lại cùng Hoàng Thái Cực đột nhập Long Tỉnh quan của nhà Minh, cùng Bối lặc Mãng Cổ Nhĩ Thái đánh hạ thành Hán Nhi Trang (汉儿庄), tiến quân đến Thông Châu, áp sát Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Đa Nhĩ Cổn còn đánh bại Viên Sùng HoánTổ Đại Thọ ở Quảng Cừ môn, tiêu diện quân Minh tiếp viện từ Sơn Hải quan ở Kế Châu[5].

Năm thứ 5 (1631), tháng 7, Hoàng Thái Cực theo triều Minh thiết lập Lục bộ, Đa Nhĩ Cổn được mệnh chưởng quản công việc bộ Lại. Cũng trong năm đó, Đa Nhĩ Cổn tham gia Trận Đại Lăng Hà, dẫn đến toàn thắng của quân Hậu Kim. Truyền thuyết kể lại, Đa Nhĩ Cổn tự mình đấu tranh anh dũng, Tổ Đại Thọ tính toán cho dâng Cẩm Châu hòa hoãn, nhưng Đa Nhĩ Cổn cùng A Ba Thái giả vờ thua, dụ quân Minh xuất thành tiêu diệt, từ đó đánh tan tác quân Minh[6]. Liền sang năm sau (1632), Đa Nhĩ Cổn tòng chinh, tiếp tục tiến đánh Sát Cáp Nhĩ.

Năm thứ 6 (1633), Hoàng Thái Cực trưng cầu ý kiến của các đại thần về việc đánh Minh triều, Triều Tiên, Sát Cáp Nhĩ, nên đánh địa phương nào trước. Đa Nhĩ Cổn đã kiến nghị đánh Minh trước, và ý kiến đó của Đa Nhĩ Cổn nhanh chóng được anh trai đồng ý[7].

Nhưng khi ấy, trong chư bộ Mông Cổ thần phục Hậu Kim, duy có Sát Cáp Nhĩ của Lâm Đan hãn vẫn thường chống đối. Để thực sự lấy được Minh triều, nay nghe Lâm Đan hãn qua đời, Hoàng Thái Cực quyết tâm tiêu diệt Sát Cáp Nhĩ.

Thế là năm Thiên Thông thứ 9 (1635), Đa Nhĩ Cổn suất tinh binh vạn người, chiêu an bộ thuộc Sát Cáp Nhĩ. Lần này tiến quân, tiến triển thuận lợi, trước sau chiêu hàng được Na Mộc Chung - Phúc tấn góa phụ của Lâm Đan hãn. Khi xưa, Lâm Đan hãn từng có được Ngọc tỷ truyền quốc từ nhà Nguyên, trên có khắc 4 chữ ["Chế cáo chi bảo"; 制诰之宝]. Đa Nhĩ Cổn đem ngọc tỷ về dâng cho Hoàng Thái Cực, quần thần liền xin Hoàng Thái Cực theo các Đại hãn triều Nguyên tiến hành quân lâm thiên hạ, đăng cơ trở thành Hoàng đế[8].

Đại Thanh Thân vương

Năm Thiên Thông thứ 10 (1636), tháng giêng, Đa Nhĩ Cổn suất chư Bối lặc vào, thỉnh Hoàng Thái Cực xưng Đế. Năm ấy, Hoàng Thái Cực xưng Đế ở Thịnh Kinh, đổi quốc hiệu thành Đại Thanh, sửa niên hiệu thành Sùng Đức.

Luận công hành phong, Đa Nhĩ Cổn xứng vào hàng thứ nhất. Tuy vậy, nhằm đề phòng ảnh hưởng của anh em Đa Nhĩ Cổn, Hoàng Thái Cực thu lại quyền lãnh đạo 2 Hoàng kỳ vốn rất trung thành với Nỗ Nhĩ Cáp Xích đang thuộc quyền lãnh đạo của anh em Đa Nhĩ Cổn, với lý do đây là những Kỳ thuộc quyền Hoàng đế. Để xoa dịu, ông ta đổi lại 2 Bạch kỳ vốn trung thành với mình và phong cho Đa Nhĩ Cổn làm Hòa Thạc Duệ Thân vương (和碩睿親王), là hàng thứ 3 trong Lục vương. Năm ấy, Đa Nhĩ Cổn 24 tuổi. Phong hiệu "Duệ" này, có Mãn văn là 「mergen」, ý là "Thông tuệ", "Hiền triết".

Nhận thấy thời cơ vẫn chưa chín muồi, Đa Nhĩ Cổn đành nuốt hận. Ông nhẫn nhịn theo phò Hoàng đế tiến hành Nam chinh Bắc chiến, thu phục Triều Tiên, chinh phạt Mông Cổ, nhiều lần đem quân đánh nhà Minh. Sau đó, A Tế Cách vì một số tội nhỏ mà bị đoạt binh quyền ở Tương Bạch kỳ, kỳ quyền cũng bị giảm đi đáng kể, Đa Nhĩ Cổn một mình làm đại Kỳ chủ của Tương Bạch kỳ.

Năm Sùng Đức thứ 2 (1637), tháng giêng, Hoàng Thái Cực lệnh Đa Nhĩ Cổn công đánh đảo Giang Hoa, bắt giam Triều Tiên quốc vương là Triều Tiên Nhân Tổ cùng người nhà. Cùng năm tháng 4, Đa Nhĩ Cổn áp giải Chiêu Hiến Thế tử Lý Uông cùng vợ, Phụng Lâm đại quân Lý Hạo cùng vợ, và 182 tùy tùng quan viên, người nhà, đều đến Thịnh Kinh[9].

Năm thứ 3 (1638), Hoàng Thái Cực thảo phạt Khách Nhĩ Khách, Đa Nhĩ Cổn được mệnh bảo vệ Thịnh Kinh. Trong thời gian đó, Đa Nhĩ Cổn tu sửa thành Liêu Đông, lại xây dựng đại đạo từ Thịnh Kinh đến Liêu Hà[10]. Ngày 23 tháng 8 cùng năm, Hoàng Thái Cực mệnh Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn làm ["Phụng mệnh Đại tướng quân"], Nam chinh Minh triều, lần này Nam chinh vây hãm 36 tòa thành, chiêu hàng 6 tòa thành, thắng 17 trận và thu được người-vật đến 260.000.

Khoảng năm thứ 6 đến thứ 7 (1641 - 1642), xảy ra Trận Tùng Cẩm (松锦之战), hai bên Minh-Thanh hội quân đại chiến. Thanh quân khởi điểm lấy Đa Nhĩ Cổn, Tế Nhĩ Cáp Lãng dẫn quân cầm đầu, sau Hoàng Thái Cực tự mình dẫn quân chi viện. Quân Minh gần 2 năm cầm cự phải vỡ trận, Hồng Thừa Trù cùng Tổ Đại Thọ phải dâng thành đầu hàng[11]. Từ trận chiến này, Thanh triều đã có đà về sau chinh phạt Đại Minh.

Sau khi lập liên tiếp quân công, Đa Nhĩ Cổn cũng chú ý gầy dựng thế lực của mình. Do được giao quản lý bộ Lại, Đa Nhĩ Cổn tiến cử nhiều tâm phúc, như Hi Phúc (希福), Phạm Văn Trình, Bào Thừa Tiên (鲍承先). Căn cứ Đa Nhĩ Cổn kiến nghị, Hoàng Thái Cực lại đối với chính thể lần nữa làm một đại cải cách, áp dụng Bát nha quan chế. Ngoài ra, văn thần võ tướng, tập tước giáng tước, hay việc chư bộ Mông Cổ thay dòng đổi duệ, tất cả đều rơi vào tay Đa Nhĩ Cổn xử lý. Thời điểm Hoàng Thái Cực vừa qua đời, hai Bạch kỳ do anh em ông lãnh đạo đã mở rộng dần từ 50 Tá lĩnh (tức khoảng 15.000 người) lên đến 65 Tá lĩnh (khoảng 19.500 người), chiếm hơn 31% quân số của Bát kỳ.